|
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 1946 - 8/1947; 8/1948 - 1980. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng |
Năm sinh: 1911Quê quán: xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình
Tham gia cách mạng: 1925
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam: 1940
Cấp bậc cao nhất: Đại tướng (1948)
Chức vụ cao nhất: Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (1946 - 1975), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) (1946 - 1947; 1948 - 1980)
Quá trình hoạt động cách mạng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, nhà chỉ huy và nhà lí luận quân sự xuất sắc của Việt Nam.
Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm: năm 1925 tham gia lãnh đạo phong trào học sinh Huế. Năm 1929 tham gia cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Duơng Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, bị Thực dân Pháp bắt giam.
Từ năm 1936 đến 1939, tham gia Phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tham gia sáng lập Báo “Lao động”, “Tiếng nói chúng ta”; biên tập Báo “Tin tức”, “Dân chúng”. Chủ tịch Uỷ ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương Đại hội.
Năm 1940, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau tháng 5/1941, xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức Việt Minh ở Cao Bằng; tham gia khởi nghĩa vũ trang ở Căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng. Năm 1942, phụ trách Ban Xung phong Nam tiến, dùng hoạt động tuyên truyền vũ trang mở đường liên lạc giữa miền núi với đồng bằng Bắc Bộ.
Tháng 12/1944, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; chỉ huy đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt (25/12/1944) và Nà Ngần (26/12/1944). Ngày 4/8/1945 đồng chí là Ủy viên Uỷ ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ, Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Thống nhất (Việt Nam Giải phóng quân).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đuợc Hội nghị Toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương cử vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc, ủy viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Quân sự Uỷ viên Hội trong Chính phủ Liên hiệp, Phó trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán với Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá II - VI; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá II - IV. Bí thư Tổng Quân uỷ, sau này là Quân uỷ Trung ương (1946 - 77). Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1946 - 1947), Đại tướng (1948), Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (đến 1975); uỷ viên Hội đồng Quốc phòng (1948).
Trong Kháng chiến chống Pháp, trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trong Kháng chiến chống Mĩ, cùng Bộ Chính trị, chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1955 - 1980). Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1991). Đại biểu Quốc hội các khoá I - VII.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều tác phẩm quân sự có giá trị nghiên cứu cao như: "Khu giải phóng" (1946), "Đội quân giải phóng" (1947), "Chiến tranh giải phóng và quân đội nhân dân, ba giai đoạn chiến lược" (1950), "Điện Biên Phủ" (1964), "Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng" (1970), "Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân" (1972), "Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" (1979), "Tư tưởng Hồ Chí Minh và Con đường cách mạng Việt Nam" (2000)…
Phần thưởng cao quí
Với những đóng góp cực kỳ to lớn cho cách mạng Việt Nam, Đại tướng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, và nhiều huân chương, phần thưởng cao quý khác…
Theo Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng