QĐND Online – 300 bức ký họa về chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước được trưng bày tại triển lãm “Nét vẽ tri ân”, khai mạc ngày 24-7, tại Hà Nội, của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem bởi các tác phẩm đã thể hiện sự dung dị, gần gũi, đặc trưng của phụ nữ Việt.
Triển lãm tổ chức nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Họa sĩ Đặng Ái Việt |
Cuộc hành trình kéo dài gần 3 năm (từ tháng 2-2010 đến tháng 6-2012), với biết bao khó khăn, thiếu thốn mà nữ họa sĩ phải đối diện trên đường đi nhưng chị vẫn quyết tâm thực hiện ước nguyện của mình.
Dẫu cuộc sống của họa sĩ Đặng Ái Việt chẳng dư dả gì nhưng chị vẫn tự túc hoàn toàn kinh phí để vượt qua chặng đường 35.600 km của 63 tỉnh, thành, để vẽ 863 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ở vào độ tuổi mà hầu hết những người phụ nữ cần phải được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, vui vầy bên con cháu thì chị lại chọn cho mình một con đường đi đầy gian nan, thử thách.
Triển lãm thu hút nhiều người xem |
Vượt qua suối sâu, đoạn đường khúc khuỷu, lúc lại trèo đèo như những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, họa sĩ Đặng Ái Việt cùng “con ngựa sắt” bon bon trên các chặng đường tìm gặp từng Bà mẹ Việt Nam anh hùng để khắc họa hình ảnh của họ.
Với sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, tâm huyết bằng cả trái tim và nghị lực phi thường, mỗi địa danh chị đặt chân đến, mỗi bức ký họa chị vẽ đều thấm đẫm biết bao mồ hôi, công sức và cả sự hy sinh những lợi ích cá nhân. Họa sĩ Đặng Ái Việt coi mỗi tác phẩm của mình là một món quà gửi tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Có một điều mà đến nay họa sĩ Đặng Ái Việt cảm thấy áy náy và tự trách mình chưa hoàn thành nhiệm vụ, đó là khi đặt chân đến địa bàn tỉnh Lào Cai để vẽ ký họa bức chân dung của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng cuối cùng trong tỉnh nhưng tiếc thay, chị đã đến muộn, mẹ đã ra đi và chị không hoàn thành trọn vẹn dự án của mình.
Những dòng nhật ký viết vội vàng trên đường đi và trong mỗi lần được gặp nhân vật của mình, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đều ghi lại rất cẩn thận.
Lai Châu, 7-6-2011 (thứ ba)
7 giờ 15 phút rời Mường Lay. Trời mưa. Vẫn là đường nhựa, nhưng nhiều đoạn núi lở, những tảng đá hàng tấn không biết lở lúc nào nhưng vết đất đá vẫn còn mới lắm.
9 giờ đến công trường thủy điện sông Đà, đường ngổn ngang bùn lầy. Tập trung toàn bộ sức lực, cho xe chạy từ từ qua mấy đoạn bùn ngập bánh xe. Xe Chaly và mình ngã ngang giữa dốc. Chân mình va vào bô xe máy bị bỏng rát. Đến nơi, được tin Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, tuy mệt nhưng lòng thanh thản. Lai Châu chỉ còn duy nhất 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến được Mường Tè rồi thì yên tâm nhưng nhớ đoạn quay lại ớn rùng mình.
Lào Cai, 10-6-2011 (thứ sáu)
Sáng nay đến Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai. Đồng chí Ty – Phó Giám đốc Sở nói:
Bà mẹ cuối cùng của tỉnh chúng tôi đã mất năm 2010. Còn cập nhật của Cục Người có công là đầu quý 4/2010.
Tôi nghe choáng váng. Bỗng rơi lệ, thương mẹ, tức cho mình, nếu năm trước mình ráng lên đây thì đã kịp. Lần này, vượt hàng ngàn cây số, biết bao gian nan trên đường, cố chạy đua với thời gian, với chính mình, vậy mà vẫn không kịp.
Trong số những Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà họa sĩ Đặng Ái Việt đã vẽ, hiện giờ người còn, người mất. Có Bà mẹ khi chị vừa vẽ xong và đang trên đường sang tỉnh khác thì có tin báo mẹ đã qua đời. Những tin đó đến với chị như “sét đánh ngang tai”, chị buồn lắm, thương các mẹ lắm nhưng chẳng biết làm thế nào bởi cuộc đời ai cũng phải trải qua giai đoạn “sinh, lão, bệnh, tử”.
Chiếc xe Chaly đã theo họa sĩ đi khắp các nẻo đường |
Trong triển lãm “Nét vẽ tri ân”, những kỷ vật của họa sĩ gắn với các câu chuyện cảm động như đoạn trích “Nhật ký hành trình vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng” lưu lại cảm nhận của họa sĩ khi đến với mỗi Bà mẹ; mớ rau má khô do Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cham ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tặng họa sĩ; chiếc xe máy Chaly gắn với họa sĩ Đặng Ái Việt trên mỗi chặng đường...khiến người xem xúc động và ai cũng thầm cảm phục tinh thần làm việc phi thường của một người phụ nữ.
Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam 2 lần xác lập chị là nữ họa sĩ vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất. Các tác phẩm ký họa của chị qua từng chặng đường đã giới thiệu trong 3 cuộc triển lãm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vào năm 2010, 2011.
“Nét vẽ tri ân” là cuộc triển lãm lần thứ 2 được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Cuộc triển lãm đầu tiên mang tên “Hành trình nét thời gian” được tổ chức năm 2010, nhân kỷ niệm 63 năm ngày thương binh liệt sĩ với hơn 100 bức ký họa chân dung của họa sĩ về các Mẹ. Đó là điểm đánh dấu chặng dừng chân sau hành trình đầu tiên của họa sĩ khi đi qua 24 tỉnh, thành, trong cả nước.
Không chỉ giỏi vẽ tranh ký họa, chị còn sáng tác thơ, văn về Mẹ Việt Nam anh hùng. Chị bảo, có những nét không tả được bằng vẽ thì phải tả bằng thơ. Với chị, thơ, văn, nhạc, họa là những lĩnh vực có sự đan xen, gần gũi với nhau nên có thể kết hợp để làm nổi bật đề tài mà mình theo đuổi.
Họa sĩ Đặng Ái Việt là một chiến sĩ, nghệ sĩ, nguyên là phóng viên của Báo Phụ nữ Giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ nên chị thấu hiểu sự mất mát, đau thương mà những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã trải qua. Bởi thế, trong mỗi tác phẩm của chị đều thấm đẫm sự hy sinh, lòng quả cảm, can trường của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Kết thúc cuộc triển lãm này, chị tặng 300 bức tranh cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để trưng bày.
Vẽ đến khi nào không thể vẽ được nữa và chị vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài Mẹ Việt Nam anh hùng và chân dung đồng đội đến hơi thở cuối cùng. Xin chúc chị hoàn thành tâm nguyện của mình và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đậm tính nhân văn.
Nguồn: www.qdnd.vn
CHƯƠNG TRÌNH "KHÁCH CỦA VTV3" TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ ĐẶNG ÁI VIỆT