Tổ quốc ta suốt chiều dài hơn bốn ngàn năm là lịch sử chống giặc ngoại xâm, trong đó ghi dấu công lao của những người con nước Việt đem xương máu bảo vệ độc lập. Lịch sử đó đã hun đúc nên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”...
Kế thừa truyền thống ngàn đời của dân tộc, Bác đúc kết đạo lý đó thành một trong những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh. Suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Bác đã cùng Chính phủ thế chế hóa tư tưởng đó thành văn bản pháp quy của Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ; đồng thời, Người là một tấm gương sáng thể hiện tấm lòng biết ơn các thương binh, liệt sỹ.
Ngay từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước đang cảnh thù trong, giặc ngoài, Bác vẫn nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sỹ. Trong bức thư của Bác đăng trên báo Cứu quốc ngày 07/01/1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập, Thống nhất của nước nhà - hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sỹ và tôi nhận các con liệt sỹ làm con nuôi của tôi ”.
Bác dâng hương, đặt vòng hoa trước Tượng đài liệt sỹ tại thủ đô Hà Nội (31/12/1954). Ảnh tư liệu |
Năm1946, Bác đã cùng Trung ương chỉ đạo thành phố Hà Nội thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam để giúp đỡ TBLS. Ngày 17/11/1946, Hội tổ chức lễ “Mùa đông binh sỹ”. Tại buổi lễ ra mắt của hội, Bác đã tặng chiếc áo rét Bác đang mặc, chiếc áo lụa và 1 tháng lương và đề nghị Chính phủ chọn một ngày để tỏ lòng biết ơn các TBLS.
Hội nghị Chính phủ vào tháng 6/1947, tổ chức tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã chọn ngày 27/7 hàng năm làm ngày TB-LS. Bác viết thư kêu gọi đồng bào giúp đỡ TB-LS đăng trên Báo Vệ Quốc quân số 11 ra ngày 27/7/1947, bức thư có đoạn viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sỹ mà nay một số đã thành ra thương binh. Tôi kêu gọi đồng bào phải biết ơn, nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Kỷ niệm ngày 27/7 đầu tiên (1947), Bác viết thư căn dặn Ban tổ chức: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào…Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Ngày 27/7 là dịp để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, thương mến thương binh. Tôi xung phong gửi một chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ biếu tôi, 1 tháng lương của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch cộng lại là 1 127 đồng …”
Ngày 16/1/1947, Bác ký Sắc lệnh số 20/SL quy đinh chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tử tuất. Ngày 03/10/1947, Bác ký Sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh (tiền thân Bộ LĐ-TB&XH ngày nay) để chuyên trách chăm lo công việc trọng đại này.
Bác thăm Trại điều dưỡng thương binh tại Bắc Ninh. Ảnh tư liệu |
Về phần mình Bác là tấm gương tiêu biểu biết ơn thương binh, liệt sỹ. Khi biết tin bác sỹ Vũ Đình Tụng là người trực tiếp khâu mổ vết thương cho các thương binh, chiến sỹ bảo vệ thành Hà Nội, có con trai là Vũ Đình Tín đã hy sinh trong những ngày Tổng khởi nghĩa, lại hay tháng chạp năm 1946, trong những ngày làm việc gần như kiệt sức, một thương binh rất nặng được chuyển vào viện nhưng miệng vẫn tươi cười; qua nụ cười bác sỹ Tụng nhận ra chiếc răng khểnh của đứa con trai mình, đó là anh Vũ Chí Thành và ông đã cắn răng dấu nỗi đau để thực hiện ca mổ; nhưng do vết thương quá nặng anh Vũ Chí Thành đã hy sinh, thì từ chiến khu Việt Bắc, Bác đã viết bức thư vô cùng xúc động:
Thưa Ngài!
Tôi được báo cáo rằng: Con trai của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Những cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Ngài đem món quà quý báu nhất là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc Ngài sẽ thêm sức giúp việc kháng chiến bảo vệ nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.
Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài, gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng.
(Tháng Giêng năm 1947, Hồ Chí Minh)
Từ khi có Ngày TBLS, năm nào Bác cũng gửi thư và quà cho thương binh và gia đình liệt sỹ. Kỷ niệm ngày TBLS 27/7/1948, Bác gửi thư cho thương binh, gia đình liệt sỹ, trong đó có đoạn: “Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm môt linh bài liệt sỹ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sỹ sẽ không thể tái sinh”.
Bác thăm hỏi, động viên chiến sĩ |
Năm 1949, Bác gửi một số khăn mặt, áo quần, 1 tháng lương là 1000 đồng. Năm 1951 Bác tặng một số bộ quần áo. Năm 1952, Bác gửi 1 tháng lương, 2 phiếu công trái quốc gia (1 phiếu tương đương 1 tấn thóc). Năm 1953, Bác gửi 1 tháng lương và 30 chiếc khăn tay. Năm 1954, Bác gửi 1 tháng lương 45000 đồng và 30.000 đồng do 1 Việt kiều ở Trung Quốc tặng Bác…
Ngày 31/12/1954, Tượng đài liệt sỹ Hà Nội khánh thành, Bác cùng các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến đặt vòng hoa. Trước Đài liệt sỹ hương trầm nghi ngút, Bác bùi ngùi, xúc động ứa nước mắt. Đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Bác đọc lời điếu của Người:
“… Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ sẽ muôn đời lưu truyền sử xanh.
Một nén hương thành!
Vài lời an ủi!
Anh linh của các liệt sỹ bất diệt…”
Trước lúc đi xa, trong di chúc của Người còn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh… đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thi chính quyền xã và hợp tác xã nông nghiệp), phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét…”.
Tư tưởng và tình cảm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với TBLS đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thấm nhuần sâu sắc, thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Đồng thời noi gương hy sinh anh dũng của những người con trung hiếu, chúng ta đã đạp bằng khó khăn, anh dũng chiến đấu đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành Độc lập, Tự do cho dân tộc, thống nhất tổ quốc, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh.
Nguồn: baohatinh.vn