Lăng Bác được thiết kế như thế nào?
Posted by Unknown
Posted on 11:46
| |||
|
Thanh niên phải làm gì
Posted by Unknown
Posted on 11:39
Thanh niên ta tuy đã có một đoàn thể của mình là Đoàn Thanh niên Việt Nam , nhưng vẫn có một số đông chưa tổ chức, chưa hoạt động - Vì sao thế?
Theo sự nhận xét riêng của tôi, thì do những khuyết điểm này:1- Tổ chức chỉ có bề rộng mà không có bề sâu. Xem trên báo, thì thấy tỉnh này đã thành lập Đoàn, tỉnh kia cũng thế. Nhưng về các huyện, các làng thì ít nơi biết Đoàn Thanh niên Việt Nam.
Phần đông thanh niên trong tổ chức là thanh niên trí thức. Còn nữ thanh niên và thanh niên các từng lớp khác, như binh sĩ, công nhân, nông dân, v.v., thì rất hiếm.
2- Mục đích thì nêu ra nhiều khẩu hiệu quá. Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào. Thậm chí không ai nhớ được những khẩu hiệu đó.
Vậy chỉ nên nêu ra vài khẩu hiệu chính, thiết thực và phổ thông, cho mỗi thanh niên có thể hiểu, nhớ và luôn nhằm vào đó mà theo.
3- Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực.
Đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để.
Tôi thường nghe anh em trong Đoàn Thanh niên Việt Nam người thì phàn nàn rằng thiếu công việc để hoạt động, người thì phàn nàn Đoàn thiếu cán bộ.
Nếu thanh niên biết tìm thì không thiếu gì công việc, cũng không thiếu gì cán bộ.
Vài thí dụ: Nếu Đoàn Thanh niên Việt Nam khéo động viên và tổ chức nam nữ thanh niên trí thức, xung phong ra phụ trách công việc tiêu diệt giặc dốt thì tất cả thanh niên trí thức đều có công việc, mà Đoàn sẽ có công to với quốc dân. Nếu Đoàn khéo động viên và tổ chức nam nữ thanh niên nông dân xung phong ra phụ trách công việc tăng gia sản xuất, thì thanh niên trong thôn quê sẽ đều hoạt động, mà Đoàn sẽ có công to với Chính phủ. Còn nhiều việc khác, thanh niên có thể làm.
Bất kỳ công việc gì, cũng có người hăng hái hơn, đắc lực hơn, có sáng kiến hơn. Nếu Đoàn khéo chú ý, tìm tòi, cất nhắc thì đó là những cán bộ. Có lẽ những thanh niên đó viết không giỏi, nói không kêu nhưng họ làm được việc. Đó là cái chính. Thanh niên cần nhiều cán bộ như thế.
Thanh niên cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập.
Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị.
Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được.
Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp.
Phải có lòng kiên quyết tham gia kháng chiến để tranh cho kỳ được thống nhất và độc lập, dân chủ và tự do.
Như thế, mới xứng đáng thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà.
A.G.
Báo Sự thật, số 89,ngày 10-2-1948.
Theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, n.2011, tr463-464
Kim Yến (st)
Báo Sự thật, số 89,ngày 10-2-1948.
Theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, n.2011, tr463-464
Kim Yến (st)
Nguồn: www.bqllang.gov.vn
Những tâm tư tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thanh niên qua các bài viết
Posted by Unknown
Posted on 11:29
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II năm 1956, tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức phong phú và sôi nổi của mình, Bác kính yêu đã dành sự quan tâm đặc biệt cho thế hệ trẻ và để lại cho thanh niên Việt Nam và thanh niên thế giới những tình cảm quí báu và những lới dạy thiết thực đối với lớp lớp con cháu.
Sau đây Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu một số bức thư Bác Hồ gửi cho thanh niên Việt Nam và thanh niên thế giới:
Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến
Hỡi thanh niên và nhi đồng yêu quý!
Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.
Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành "đời sống mới".
Đời sống mới là:
- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
- Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
- Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa.
Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Việt Nam độc lập muôn năm!
Tháng 1 năm 1946
HỒ CHÍ MINH
Một tấm lòng thành thực và đau đớn
Thưa Đại tướng, thân hữu, tôi nói với ngài với một tấm lòng thành thực và đau đớn. Đau đớn vì thấy bao nhiêu chiến sĩ thanh niên Pháp và Việt đang tàn sát lẫn nhau. Những thanh niên hi vọng của hai nước chúng ta, và đáng lẽ phải sống cùng nhau như anh em…
(Trích thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tướng Pháp Lơcléc, ngày 1 tháng 1 năm 1947 – Theo sách Lời Hồ Chủ tịch, Nhà thông tin Việt Nam, 1948, T.1, tr 17 – 18)
Thanh niên Mỹ chống chiến tranh
Bà Mácin Tô, Giám đốc một Trường Trung học Mỹ, viết trong thời báo New York : “Hiện nay thanh niên Mỹ chỉ lo phải đi lính. Những thanh niên đã đi lính trong cuộc Thế giới đại chiến thứ hai thì lo: Có phải đi lính lần nữa không?”. Những thanh niên ấy sinh trưởng trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Họ thấy những việc không công bằng, rồi họ kết luận: Chỉ có những người cách mạng chống lại những sự bắt đi lính ấy. Họ xem nhiều sách quá rồi họ thất vọng và cho rằng đời sống là trống rỗng, vô ích”.
Bà Mác chỉ nói đúng một nửa. Một phần thanh niên Mỹ ghét chiến tranh, song không biết chống lại. Còn một phần thanh niên khác thì hăng hái chống đế quốc chủ nghĩa, chống chiến tranh. Họ không ở trong các Trường Trung học, cho nên bà Mác không biết họ.
(Bài viết của Bác ký bút danh Đ.X, trên báo Cứu quốc
số 1945, ngày 9-11-1951)
số 1945, ngày 9-11-1951)
Thanh niên Pháp chống chiến tranh ở Việt Nam
Trong phong trào nhân dân Pháp chống chiến tranh ở Việt Nam, thanh niên Pháp rất hoạt động. Vì vậy, anh Hăngri Máctanh, chị Râymông Điêng và nhiều thanh niên khác đã bị tù (nhờ nhân dân Pháp đấu tranh mạnh, nay đã được tha).
Tại Đại hội liên hoan thanh niên thế giới ở Thủ đô nước Rumani, hồi tháng 8, có 3.500 đại biểu thanh niên Pháp, trong đó có đủ các tầng lớp và các tôn giáo. Sau một cuộc gặp gỡ rất thân mật với Đoàn đại biểu thanh niên Việt, Đoàn đại biểu thanh niên Pháp đã thông qua một nghị quyết tóm tắt như sau.
“Chúng tôi có hân hạnh lớn được gặp thanh niên Việt – Miên – Lào. Trong lúc chúng tôi hôn nhau như anh em, thì chiến tranh tàn nhẫn vẫn tiếp tục ở Đông Dương.
Chúng tôi sung sướng cảm thấy rằng thanh niên Việt – Pháp rất gần gũi nhau, có thế hiểu biết nhau và lập mối quan hệ thân thiết lâu dài với nhau. Vì vậy, cuộc gặp gỡ này cũng như một hành động hòa bình, như một sự khuyến khích thanh niên Pháp phát triển đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam… Thanh niên Pháp sẽ đấu tranh không ngừng, để đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh là đại biểu chân chính của nhân dân Việt Nam…
Hòa bình ở Việt Nam và nối lại quan hệ kinh tế và văn hóa với Việt Nam, thì nước Pháp sẽ gây được cảm tình thân thiện với một dân tộc lớn. Hòa bình ở Việt Nam thì nước Pháp có thể xây dựng đời sống của mình với số tiền bạc khổng lồ mà hiện nay đang hoang phí vào chiến tranh. Hòa bình ở Việt Nam là lợi ích chung của thanh niên chúng ta, là lợi ích chung của hai Tổ quốc chúng ta”.
Chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp theo đuổi ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Nhân dân thế giới nhất là nhân dân Pháp đều phản đối. Quân đội thực dân Pháp không có chỗ dựa. Trái lại, cuộc kháng chiến của ta là toàn dân kháng chiến, lại được nhân dân Pháp và nhân dân lao động thế giới ủng hộ. Vì vậy, địch nhất định thua, ta nhất định thắng.
(Bài báo của Bác Hồ, ký bút danh C.B, đăng trên Báo Nhân Dân, số 144, từ ngày 26 đến 31-10-1953).
Thư gửi thanh niên Pháp
Gửi các bạn thanh niên nam nữ Pháp,
Các bạn thân mến,
Các cháu thanh niên Việt Nam đi dự Đại hội liên hoan Bucarét về đã kể lại cho chúng tôi nghe những cử chỉ thân ái thật cảm động giữ các bạn thanh niên Pháp – Việt. Chúng tôi rất cảm kích với tấm lòng của các bà mẹ và các bạn nữ thanh niên Pháp đã gửi cho các bà mẹ và các cháu nhi đồng Việt Nam những món quà xinh và những chiếc ảnh đẹp.
Chúng tôi lại biết rằng các bạn là những người thanh niên nam nữ đang cùng toàn thể nhân dân anh dũng của nước Pháp can đảm đấu tranh chống cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam. Điều đó chứng tỏ một lần nữa rằng nhân dân hai nước chúng ta sẵn một lòng thương yêu nhau và thông cảm với nhau. Chỉ có bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là những kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh phi nghĩa này, nó đã gây nên bao nhiêu khổ cực và tang tóc cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân Việt Nam.
Cho nên các bạn và chúng tôi, chúng ta phải sát cánh cùng nhau đấu tranh kiên quyết để thắng kẻ thù chung của chúng ta. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể thực hiện được mục đích chung của chúng ta là cộng tác thân ái với nhau trên cơ sở độc lập, tự do và hòa bình, vì lợi ích chân chính của cả hai nước chúng ta.
Hoan nghênh các bạn thanh niên Pháp đang đấu tranh cho hòa bình và dân chủ!
Tình thân ái giữa nhân dân hai nước Việt – Pháp muôn năm!
Hôn tất cả các cháu
Hồ Chí MinhViết cuối tháng 10-1953
Báo Nhân Dân, số 147, Từ ngày 11 đến 15-11-1953.
Báo Nhân Dân, số 147, Từ ngày 11 đến 15-11-1953.
Bác Hồ khen ngợi thanh niên Triều Tiên
Do sự hăng hái xung phong mỗi năm làm một tháng lao động nghĩa vụ, thanh niên và học sinh đã tham gia xây dựng ngôi nhà nguy nga và đắp những con đường rộng rãi…
(Trích diễn văn trong tiệc chiêu đãi ở Bình Nhưỡng, đọc ngày 10-7-1957) – Báo Nhân Dân, số 1221, ngày 12-7-1957).
Điện gửi Tổng thống Pháp Rơnê Côty
Yêu cầu hủy bỏ án tử hình chị Giamila
Yêu cầu hủy bỏ án tử hình chị Giamila
Kính gửi Ông Rơnê Côty, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp,
Tôi vô cùng xúc động trước việc chị Giamila Buhirét, người nữ thanh niên yêu nước Angiêri, bị kết án tử hình. Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi đề nghị Ngài có biện pháp phù hợp với truyền thống yêu chuộng công lý và nhân đạo của nhân dân Pháp để cứu sống tính mạng của chị Giamila.
Kính gửi Ngài lời chào trân trọng.
Ngày 7 tháng 3 năm 1958
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Hồ Chí Minh
Báo Nhân Dân, số 1460, ngày 11-3-1958.
Tình cảm của Bác Hồ với thanh niên
Việt Nam và Inđônêxia
Hà Nội ta có nhiều trường mà Trường Đại học của các cháu được nhiều vinh dự đón khách quý. Những khách từ các nước bạn anh em đến Việt Nam thăm các cháu.
Bác Cácnô không muốn người ta gọi Bác mà là Anh cả, là Bung Cácnô bởi vì Bác Cácnô muốn gần gũi nhiều, gần gũi mãi với thanh niên. Hôm nay Bác Cácnô đến thăm các cháu, đấy chẳng những là một vị lãnh tụ vĩ đại của một dân tộc 88 triệu dân đưa đến cho các cháu tình hữu nghị thắm thiết của nhân dân Inđônêxia, của thanh niên Inđônêxia mà Bác Cácnô đến thăm các cháu lấy danh nghĩa là cựu sinh viên. Bác Cácnô đến đây chẳng những để nói chuyện với các cháu, nhưng mà các cháu phải xem Bác Cácnô là một tấm gương cách mạng từ lúc nhỏ, từ trong trường học ra ngoài trường học, từ lúc tự do cũng như mười mấy năm tù tội, luôn luôn hy sinh phấn đấu cho độc lập dân tộc, cho dân chủ, cho hòa bình thế giới.
Bác Cácnô đã nói với các cháu những gì? Nói tương lai của loài người một phần lớn là ở các cháu thanh niên – tức là các cháu là chủ nhân, là ông chủ, bà chủ tương lai của trái đất. Nhưng muốn cho xứng đáng với ông chủ, bà chủ thì phải làm thế nào? Không phải cứ ngồi khoanh tay sẽ là ông chủ, bà chủ, mà:
1. Phải đoàn kết chặt chẽ.
2. Cố gắng học tập cho tốt.
3. Phải lao động cho tốt.
4. Vượt mọi khó khăn đề mà chiến thắng, để hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại thế kỷ thứ XX.
Muốn như thế thì phải thế nào? Bác Cácnô đã nói: Phải chiến thắng những tật xấu cá nhân chủ nghĩa và có tinh thần xã hội chủ nghĩa. Các cháu đã có tinh thần xã hội chủ nghĩa, còn cá nhân chủ nghĩa cũng còn nhiều. Các cháu chắc biết trong xã hội, trong một con người cũng thế, có cái thiện và ác. Hai cái nó tranh đấu vơi nhau. Nói cái “thiện” tức là tinh thần xã hội chủ nghĩa, tinh thần chiến đấu mà thắng thì cá nhân chủ nghĩa sẽ thua, mà nếu cá nhân chủ nghĩa thắng thì tinh thần xã hội chủ nghĩa sẽ thua. Các cháu là những người tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đây là xây dựng chủ nghĩa xã hội cho các cháu. Bác, đàn anh có tuổi rồi, có hưởng xã hội chủ nghĩa cũng không được mấy vì già rồi, hưởng hạnh phúc xã hội chủ nghĩa là các cháu. Vì vậy các cháu phải ra sức xây dựng xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa phải có tinh thần xã hội chủ nghĩa, muốn có tinh thần xã hội chủ nghĩa phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Các cháu có đánh bại được chủ nghĩa cá nhân không? Có quyết tâm không? Có học được gương sáng Bung Cácnô không? Thế thì Bác và Bung Cácnô chờ đợi những thành tích của các cháu trong học tập, trong lao động, trong đoàn kết, trong việc đánh bại chủ nghĩa cá nhân và trong thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Các cháu có làm được không? Có chắc chắn không?
Bây giờ đây, thay mặt các cháu, Bác gửi đến các bạn thanh niên và các bạn học sinh, sinh viên Inđônêxia tất cả tình hữu nghị thắm thiết và ý chí thi đua xã hội chủ nghĩa của thanh niên và sinh viên Việt Nam.
(Bài nói chuyện của Bác Hồ với sinh viên đại học chào mừng Tổng thống Xucácnô ngày 26-6-1959 – Báo Nhân Dân, số 1929, ngày 27-6-1959)
Chế độ nào, thanh niên ấy
Ngày 17 tháng 1 năm 1960, chiếc thuyền nhỏ chở bốn thủy thủ trẻ tuổi của Liên Xô (Digansin, Palốpxki, Criútcốpxki, Phêđôtốp), bốn người thuộc ba dân tộc, đều mới vào bộ đội bị bão to cuốn ra khơi Thái Bình Dương. Máy vô tuyến điện hỏng, đứt liên lạc với trên bờ. Trên thuyền chỉ có lương thực đủ cho hai ngày và hai mươi kilo khoai. Bốn người lênh đênh phiêu bạt suốt bốn mươi chín ngày đêm. Lương thực hết, họ phải nấu giày ủng mà ăn. Ăn hết giày họ phải ăn cả chiếc đàn gió bằng da. Nước hết, họ hứng nước mưa và mỗi ngày mỗi người chỉ được uống nửa cốc. (Để chúc mừng ngày sinh của Criútcốpxki, các bạn tặng anh một cốc nước đầy, nhưng anh không nỡ uống).
Đói, khát, rét, mệt, nguy hiểm đến cực độ, nhưng bốn thanh niên anh hung ấy vẫn giữ vững tinh thần, không chút nản chí. Lênh đênh trên mặt biển, không có việc gì làm, họ thay phiên nhau ngâm thơ, đọc sách, kéo đàn (Khi chiếc đàn hẵng còn) để khuyến khích lẫn nhau.
Cuối ngày thứ bốn mươi chín, thì một chiếc tàu binh Mỹ vớt họ lên.
Đó là tiêu biểu tinh thần đoàn kết và chí khí bất khuất của thế hệ thanh niên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
*
* *
Ai cũng biết rằng ở Mỹ, số thiếu niên và thanh niên phạm tội ngày càng nhiều. Nhất là ở các thành phố lớn, ngày nào cũng xảy ra những vụ thiếu niên và thanh niên phạm tội trộm cắp, hãm hiếp, cướp của, giết người. Ví dụ: Cách đây không lâu, tên E. Pakê, mười sáu tuổi, đã bắn chết cha và em gái của cô A. Khi bị bắt, nó khai rằng có đã chuẩn bị kế hoạch từ lâu định giết cả mẹ và hai em gái của cô A. Nhưng “không may” ba người đã chạy thoát.
Vừa rồi, chỉ trong mấy ngày (từ 2-2 đến 2-3), tên D. Hoaini, mười bảy tuổi, quê ở Caliphoócni, đã giết chết năm người đàn ông, nó thản nhiên nói: “tôi định giết mười hai người. Tiếc rằng tôi chưa làm được như ý muốn”.
Đó là đầu óc hư hỏng và cử chỉ điên cuồng của thế hệ thanh niên dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.
Hai chế độ xã hội khác nhau đã giáo dục nên hai thế hệ thanh niên khác nhau!
(Bài viết của Bác Hồ, ký bút danh T.L, đăng trên báo Nhân Dân, số 2203, ngày 30-3-1960)
Kim Yến (Tổng hợp)
Nguồn: www.bqllang.gov.vn
Hình ảnh Bác Hồ qua những thước phim tài liệu Việt Nam
Posted by Unknown
Posted on 11:21
Từ những thước phim đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng ra đời vào những năm 1946-1947, ngày15-3-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Từ đó ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam chính thức ra đời và từng bước phát triển. Tính từ dấu mốc đó đến nay, Điện ảnh Việt Nam cũng đã tròn “60 tuổi”.
Trong rất nhiều đề tài của cuộc sống được điện ảnh khai thác, hình ảnh Bác Hồ là đề tài lớn luôn thôi thúc nhiều nhà làm phim thực hiện. Nhưng để làm phim về Bác lại là chuyện không đơn giản. Bởi cái khó thách thức những nhà làm phim chính là làm sao thể hiện chân thực nhất, sinh động nhất hình tượng giản dị mà rất đỗi cao quý của Người. Trải qua mấy chục năm đến nay, điện ảnh Việt Nam đã có rất nhiều bộ phim về Bác. Một trong đó phải kể đến những bộ phim tài liệu. Những thước phim đó chính là những tư liệu quý giá cho bao lớp thế hệ trẻ sau này cảm nhận được sự giản dị những rất đỗi ấm áp tỏa ra từ Người.
Khởi nguồn từ bộ phim tài liệu chân dung khi Bác Hồ 70 tuổi
Bộ phim tài liệu đầu tiên về chân dung Bác Hồ được quay vào năm 1960 với tựa đề"Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" do đạo diễn Quang Huy thực hiện. Bộ phim được Hãng phim Thời sự và Tài liệu Trung ương xây dựng dựa vào một số tư liệu của Việt Nam và ngoại quốc. Bộ phim kéo dài gần 50 phút đã thể hiện một cách khá hoàn chỉnh thời ấu thơ và con đường hoạt động cách mạng của Người từ khi tìm đường cứu nước đến năm 1960. Bộ phim được thực hiện nhân hai sự kiện đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba và kỷ niệm 70 năm năm Ngày sinh của Bác Hồ.
Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim tài liệu chân dung đầu tiên- "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch"
Trước bộ phim tài liệu chân dung đầu tiên về Bác Hồ được xây dựng, những thước phim ở từng giai đoạn hoạt động của Người đã được nhiều người thu lại bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài. Theo đó, những hình ảnh khi Bác còn ở chiến khu Việt Bắc hay hình ảnh khi Bác đọc Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), hoặc những hình ảnh khi Bác tham gia chỉ đạo trong cuộc khiến cháng chống Pháp... đã được thu lại ít nhiều. Những hình ảnh ấy đã trở thành tư liệu quý giá, tạo nền tảng cho đạo diễn Quang Huy có thể thực hiện thành công bộ phim tài liệu về Người.
Hình ảnh đời sống thực trong bộ phim tài liệu đầu tiên về Bác
Thực tế, bộ phim tài liệu chân dung về Người được xây dựng lần đầu tiên nhưng mọi thông tin về việc thực hiện làm phim đều phải đảm bảo việc giấu kín với Người. Đạo diễn Quang Huy khi đó là giám đốc Hãng phim đã nhận nhiệm vụ, đảm trách vai trò vô cùng lớn đảm bảo kế hoạch sẽ được tiến hành một cách thuận lợi. Tuy nhiên, trong quá trình quay những hình ảnh thực tế về cuộc sống của Bác ở nhà sàn, đạo diễn Quang Huy đã bị Bác phát hiện. Rất may, sau khi nhắc nhở đạo diễn, Bác vẫn đồng ý để cho đạo diễn và quay phim tiếp tục thực hiện theo kịch bản phim. Để có thước phim kéo dài gần 50 phút, đạo diễn Quang Huy và những người bạn đồng nghiệp đã phải cố gắng hết sức. Làm phim vốn đã khó nhưng khi làm phim về hình tượng Bác thì gánh nặng trách nhiệm đè lên vai của đoàn làm phim càng lớn hơn.
Bộ phim này đã được Bộ Chính trị và Bác Hồ duyệt cẩn thận. Sau đó, Hãng phim công chiếu cho đông đảo nhân dân miền Bắc theo dõi. Những hình ảnh giản dị về Người đã khiến bao người dân miền Bắc khi đó xúc động. Hơn thế, bộ phim đã mở đường cho việc xây dựng rất nhiều các bộ phim tài liệu chân dung khác về Bác cũng như chân dung về các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn sau.
Mỗi bộ phim về Bác đều gửi trọn tình yêu của người dân Việt Nam
Sau sự thành công của bộ phim đầu tiên, các nhà làm phim đã nuôi ý tưởng để thực hiện một bộ phim tài liệu nhân kỷ niệm 80 năm năm Ngày sinh của Bác Hồ. Tuy nhiên, ý tưởng chưa kịp hoàn thành, Bác đột ngột ra đi. Đau xót trước sự ra đi của Người, những người làm phim đã nhanh chóng hoàn thành bộ phim “Lễ tang Hồ Chủ Tịch”. Bộ phim là một câu chuyện xúc động về Bác Hồ- một con người suốt đời vì sự nghiệp cách mạng, vì Đảng vì nhân dân lao động.
Sau khi hoàn thành, bộ phim đã được in ra thành nhiều bản, chiếu ở khắp mọi miền của Tổ quốc để toàn thể đồng bào ta được nhìn được cảm nhận. Những hình ảnh từ bộ phim chính là động lực thúc đẩy con đường cách mạng còn nhiều gian truân của dân tộc ta.
Hình ảnh chụp từ bộ phim tài liệu “ Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”(đạo diễn Phạm Quốc Vinh).
Mỗi đạo diễn khi thực hiện những bộ phim tài liệu về Người đều mang trong mình những xúc cảm vô cùng. Và mỗi tác phẩm khi được hoàn thành đều trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong sự nghiệp. Như đạo diễn Phạm Quốc Vinh, hai tác phẩm “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”và “Bác đi chiến dịch” là những bộ phim đáng nhớ nhất trong suốt gần 50 năm làm phim của ông.
Bộ phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh” do đạo diễn Phạm Kỳ Nam bắt đầu thực hiện vào năm 1974. Bộ phim được Xưởng phim thời sự tài liệu Trung ương xây dựng nhằm kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (1930-1975), kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1975), kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945-1975).
Hình ảnh một người đồng nghiệp của Bác tại Pháp- trong bộ phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh”.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác (19/5/1980- 19/5/1990), Hãng phim Ngọc Khánh đã thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “Hồ Chí Minh- chân dung một con người”. Từ hơn 30.000 mét phim lưu trữ, các nhà làm phim lựa chọn để xây dựng nên một bộ phim tài liệu chân dung về vị lãnh tụ của dân tộc. Bộ phim đã khắc họa nhân cách lớn lao của Bác từ những trăn trở, suy nghĩ, tâm tư, sự hết lòng với sự nghiệp cách mạng gian khó của dân tộc ta. Bộ phim kéo dài 58 phút, mỗi giây mỗi phút đều là những hình ảnh vô cùng xúc động về con người giản dị mà vĩ đại- Hồ Chí Minh.
Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim “Hồ Chí Minh- chân dung một con người”( đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích).
Bộ phim “Hồ Chí Minh- chân dung một con người” đã tập hợp rất nhiều tư liệu quý giá về Bác. Đặc biệt trong số đó có nhiều hình ảnh chưa được sử dụng trước đó, ví dụ như Bác cởi trần tắm suối, tự giặt quần áo rồi phơi lên cây sào... Mỗi hình ảnh về cuộc sống được các nhà làm phim sử dụng đều nhằm khắc họa một cách chân thực, mộc mạc nhất con người giản dị, luôn một lòng hướng đến cách mạng, đến giải phóng đất nước.
Ngoài những bộ phim nói trên thì cũng cần kể đến một số phim tài liệu khác như: “Bác Hồ sống mãi” (Xưởng phim Quân đội và Thời sự tài liệu Trung ương), “Mùa sen nhớ Bác”, “Bác Hồ với nông dân”, Chúng con nhớ Bác”... Mỗi tác phẩm điện ảnh này không chỉ khắc họa được hình ảnh giản dị, gần gũi của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà còn thể hiện được tình yêu vô bờ bến của những người con Việt Nam dành cho Bác. Mỗi chi tiết được sử dụng đều khiến người xem cảm động.
Bên cạnh những thước phim đen trắng, có một vài bộ phim tài liệu màu được thực hiện như bộ phim ghi lại thời khắc Bác chúc tết năm 1968 mang tên “Tiếng gọi mùa xuân” (đạo diễn Hồng Nghi); hay như bộ phim ghi lại tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi trong ngày 1/6/1969 với tựa đề “Bác Hồ của chúng em”....
Trải qua 60 năm hình thành phát triển, điện ảnh Việt Nam đã có không ít những tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau khắc họa hình ảnh của Bác. Mỗi tác phẩm có những thành công riêng để lại dấu ấn trong lòng người xem. Tuy nhiên, hình ảnh Bác mãi là một thử thách không nhỏ cho những nhà làm phim... Mỗi tác phẩm khi được hoàn thành sẽ chính là những tư liệu quý giá mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới./
Thanh Huyền (tổng hợp)
Nguồn: www.bqllang.gov.vn