Hẹn gặp lại Sài Gòn
Hẹn gặp lại Sài Gòn sản xuất năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phim kể lại câu chuyện chàng trai 20 tuổi Nguyễn Tất Thành đầy hoài bão và đau đáu trong lòng nỗi đau nước mất, nhà tan.
Hẹn gặp lại Sài Gòn là bộ phim đầu tiên đưa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ lên màn ảnh. Phim đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của công chúng thời bấy giờ.
Một trong những yếu tố làm nên thành công của bộ phim là diễn viên thủ vai Bác – Tiến Lợi. Diễn viênTiến Lợi có ngoại hình, tác phong rất giống người con trai yêu nước Nguyễn Tất Thành. Đây cũng là diễn viên được đánh giá vào vai Bác Hồ đạt nhất trong tất cả các diễn viên từng đóng vai Bác.
Hà Nội mùa Đông năm 46
Hà Nội mùa Đông năm 46 được sản xuất năm 1997. Năm 1946 là quãng thời gian có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng. Đây là lúc thực dân Pháp nung nấu dã tâm xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trước tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác quyết định đưa ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Sau thành công của Hẹn gặp lại Sài Gòn, diễn viên Tiến Lợi tiếp tục đảm nhận vai diễn lãnh tụ Hồ Chí Minh ở Hà Nội mùa Đông năm 46. Ở bộ phim lần này, Tiến Lợi đã thể hiện một vị lãnh tụ kiên định, đưa ra những quyết định sáng suốt trong thời khắc lịch sử của dân tộc.
Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông
Bộ phim tái hiện chín phiên tòa xét xử Nguyễn Ái Quốc năm 1931 sinh động và lôi cuốn. Thực dân Anh cố tình khép tội Nguyễn Ái Quốc và giao Người cho thực dân Pháp xét xử. Người bị giam ở nhà tùVictoria. Đồng chí Hồ Tùng Mậu đã nhờ luật sư Loseby bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyễn Ái Quốc.
Trần Lực đóng vai Nguyễn Ái Quốc.
Nhờ ý chí kiên cường, những lý lẽ sắc sảo, cùng sự giúp đỡ của vợ chồng luật sư Loseby và các chiến sĩ cộng sản Trung Quốc như Lâm Bình, già Lý, Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi nhà tù Victoria và trở về Việt Nam tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng còn non trẻ.
Nhìn ra biển cả
Nhìn ra biển cả sản xuất nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác và ra mắt đúng dịp Giải phóng miền Nam 30/4.
Nhìn ra biển cả kể về thầy giáo Nguyễn Tất Thành vừa dạy học vừa nung nấu quyết tâm muốn tìm ra biển lớn để làm việc lớn. Phim dựa theo kịch bản cùng tên của nhà văn Nguyễn Thị Hồng Ngát – tác phẩm đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nguyễn Minh Đức trong vai Nguyễn Tất Thành.
Nhìn ra biển cả ghi lại giai đoạn 1908 – 1910 của người con yêu nước Nguyễn Tất Thành. Do tham gia biểu tình chống sưu cao, thuế nặng, anh bị buộc thôi học. Cha anh là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắcgiới thiệu với bạn để Nguyễn Tất Thành vào trường Dục Thanh dạy học. Tuy dạy học nhưng Nguyễn Tất Thành chưa bao giờ nguôi ý chí tìm đường cứu nước. Nhìn ra biển cả kết thúc với hình ảnh người thanh niên lên thuyền vào Sài Gòn, bắt đầu hành trình mới trên con đường cứu nước.
Hồ Chí Minh - Chân dung một con người
Nếu những bộ phim nêu trên dựng lại cuộc đời Bác qua lăng kính điện ảnh thì Hồ Chí Minh – Chân dung một con người là phim tài liệu – chứa đựng những thước phim quý giá về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một đoạn trích "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người".
Hồ Chí Minh – Chân dung một con người tập hợp những tư liệu quý giá về Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều thước phim chưa từng được sử dụng trước đó như: hình ảnh Bác cởi trần tắm suối, tự giặt quần áo rồi phơi trên cây sào. Phim cũng ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống đời thường vô cùng giản dị của Bác như: khi Bác tập Thái cực quyền, Bác đánh bóng chuyền, Bác đi chiến dịch, Bác chăm sóc cụ già, em nhỏ, tình cảm Bác dành cho bộ đội, cho xóm làng, cho quê hương, đất nước… Tất cả đều thể hiện một cách xác thực nhất cuộc đời của một con người vĩ đại.
Hồ Chí Minh – Chân dung một con người in dấu trong trái tim khán giả như là một bộ phim tài liệu quý giá nhất. Những hình ảnh trong bộ phim đã được hơn 70 cơ quan truyền thông của các quốc gia sử dụng để nói về một con người không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân Việt Nam mà còn với những ai yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Nguồn: www.kenh14.vn