Home » » Liệt sĩ Phạm Ngọc Đa

Liệt sĩ Phạm Ngọc Đa

Anh hùng Phạm Ngọc Đa, sinh 1938, ở thôn Phác Xuyên, xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An (nay là TP Hải Phòng), trong một gia đình lao động nghèo, cha mẹ mất sớm. Ngay từ nhỏ hai chị em Phạm Ngọc Đa đã phải đi làm thuê kiếm sống.
Do được giác ngộ cách mạng, năm 12 tuổi, Phạm Ngọc Đa được kết nạp vào hàng ngũ của Đội thiếu nhi Cứu quốc, tích cực tham gia các hoạt động yêu nước. Năm 15 tuổi, Phạm Ngọc Đa trở thành đội viên du kích, làm giao liên, trinh sát và trực tiếp tham gia chiến đấu.
       Sáng 28-8-1953, quân Pháp mở chiến dịch càn quét với quy mô lớn mang tên Cờ lốt (Claude) vào huyện Tiên Lãng. Làng Phác Xuyên chìm trong lửa đạn của thực dân Pháp và ngụy quân. Du kích dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mới rút vào hầm bí mật. Phạm Ngọc Đa cũng tham gia tích cực trong trận chiến đấu này.
   Ngày 30-8-1953, làng Phác Xuyên lại chìm trong lửa đạn trả thù của quân Pháp và tay sai. Trước hỏa lực hùng mạnh của quân Pháp, các du kích quân buộc phải rút xuống hầm trú ẩn. Địch tràn vào làng đốt phá, lùng sục. Không may, địch lại đặt súng cối trên nóc hầm bí mật  nên đất sụt xuống. Bọn địch đã nghi ngờ, đào bới, tìm ra hầm và bắt được Phạm Ngọc Đa cùng một số du kích quân khác. 
Quân Pháp bắt trói Đa và tra tấn rất dã man nhằm buộc anh phải chỉ điểm các hầm bí mật còn lại. Phạm Ngọc Đa nói lớn vào mặt kẻ địch cốt để báo động cho các chiến sĩ khác đang ẩn nấp quanh khu vực đó biết: “Đúng, tao biết nhiều hầm nhưng không phải là để khai ra với chúng mày!” 
Tên quan ba Pháp nổi tiếng tàn ác cầm dao chặt lìa một cánh tay của Phạm Ngọc Đa. Trong đau đớn, anh vẫn giữ khí tiết. Nhằm khủng bố tinh thần của Phạm Ngọc Đa cũng như những chiến sĩ du kích khác, quân Pháp cắt từng đoạn chân của anh cho đến chết nhưng vẫn không khai thác được gì.
       Tấm gương hy sinh anh hùng của thiếu niên du kích Phạm Ngọc Đa sau này được trân trọng nhắc đến trong nhiều tài liệu giáo dục lịch sử của Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh bên cạnh những tấm gương anh hùng thiếu niên khác. 
Để ghi nhớ công lao và sự hy sinh anh dũng của người đội viên  thiếu niên quả cảm, năm 1997, Phạm Ngọc Đa được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại quê hương của Phạm Ngọc Đa (huyện Tiên Lãng) đã xây dựng một tượng đài kỷ niệm người anh hùng thiếu niên anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.