Home » , » Trần Đại Nghĩa - bỏ mức lương 20 lạng vàng theo Bác Hồ

Trần Đại Nghĩa - bỏ mức lương 20 lạng vàng theo Bác Hồ

Năm 1946, người trí thức Trần Đại Nghĩa, sau cuộc gặp với Bác Hồ ở Pháp đã quyết định theo Bác về nước chiến đấu. Ông trở thành Cục trưởng đầu tiên của Cục quân giới và được mệnh danh là “Ông vua vũ khí” của Việt Nam.

Ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, Trần Đại Nghĩa có ghi vào cuốn sổ tay của mình một câu: “Đã hoàn thành nhiệm vụ!”. Lúc sinh thời ông từng nói: “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”.
Và như thế, được phụng sự, đóng góp công sức cho dân tộc đã là lí tưởng mà  ông muốn cho cuộc đời mình.
Hành trang của một người trí thức yêu nước
Năm 1913, cậu bé Phạm Quang Lễ (tên thật của Thiếu tướng, Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa) cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nhà giáo nghèo ở tỉnh Vĩnh Long. 7 tuổi đã mồ côi cha, nhưng Trần Đại Nghĩa vẫn được đi học là nhờ sự tần tảo của má và sự hi sinh của người chị gái.
Chị gái ông khi đó mới 8 tuổi, đã nghỉ học ở nhà, cùng má làm lụng nuôi em trai ăn học. Là học sinh trường Petrus Ký nổi tiếng Sài Gòn, cậu học trò nghèo Phạm Quang Lễ bao giờ cũng đứng đầu lớp.
Vì học giỏi nên ngày đó chính quyền Pháp có ý đưa Phạm Quang Lễ ra Hà Nội học làm quan, nhưng ông từ chối, vì đó là công việc ‘bán nước, hại dân”. Thay vì làm quan, ông nhận học bổng đi học ở Pháp năm 1935, với ước mơ sau này sẽ quay về giúp dân, cứu nước.
Từ khi còn trẻ, cậu học trò Phạm Quang Lễ đã có một suy nghĩ: nước Việt Nam có truyền thống đánh giặc cả nghìn năm,  lòng can đảm và lòng yêu nước đều không thiếu, nhưng người Việt Nam vẫn bị thực dân Pháp khuất phục là do ta không có vũ khí hiện đại như Pháp.
Bác Hồ và Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa
Bác Hồ và Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa
Chính vì thế khi sang Pháp du học, Phạm Quang Lễ đã thề sẽ học cho bằng được cách chế tạo vũ khí đề về đánh Pháp. Nhưng sang đến Pháp, Phạm Quang Lễ mới nhận ra suy nghĩ của mình quá đơn giản. Người Pháp không đời nào cho phép một du học sinh nước ngoài ở Pháp học ngành chế tạo vũ khí.
Ngành học đó chỉ dành cho những sinh viên Pháp. Không nản chí, ngoài việc học ở trường, Phạm Quang Lễ còn tự mày mò đọc những sách về vũ khí tại nhà.
Sau này tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sự của một hãng chế tạo máy bay, dù kiếm được bao nhiêu tiền, Phạm Quang Lễ cũng đều dồn cả vào mua sách liên quan đến vũ khí. Ông đọc sách ngày đêm, chờ cơ hội về giúp nước.
Thời cơ đến vào năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp, trong cuộc gặp gỡ kiều bào Việt ở Pháp, Bác Hồ đã lắng nghe nguyện vọng của Phạm Quang Lễ. Bác hỏi: “Chú về nước chế tạo vũ khí, cách mạng sẽ rất cần. Nhưng trong nước khổ lắm. Chú có chịu nổi không?”.
Phạm Quang Lễ gật đầu: “Thưa Bác, cháu đã chờ đợi ngày này suốt 11 năm trời”. Năm đó, khi Bác Hồ rời Pháp về Việt Nam, có một người trí thức tên Trần Đại Nghĩa đã đi theo. Người trí thức đó chính là Phạm Quang Lễ.
Và cái tên Trần Đại Nghĩa mà Bác Hồ đặt cho ông năm đó, là cái tên đã đưa ông đi vào lịch sử ngành chế tạo vũ khí của Việt Nam. Từ bỏ công việc kỹ sư ở một hãng chế tạo máy bay lớn, Trần Đại Nghĩa đã từ bỏ mức lương tương đương với 20 lạng vàng 1 tháng để về Việt Nam theo cách mạng.
Hành trang trở về của ông là 1 tấn sách toàn về vũ khí.  Ông trở thành Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới. Chiến công đầu tiên của ông là chế tạo thành công súng Bazooka, một loại súng bắn xe tăng đầu tiên do Việt Nam chế tạo.
Khi mới bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, thực dân Pháp rất coi thường quân đội Việt Nam. Chúng tuyên bố: “Chỉ cần mất 8 ngày, sẽ tiêu diệt hoàn toàn cách mạng Việt Nam”. Sở dĩ chúng chủ quan thế là bởi chúng biết Việt Nam chưa có súng bắn xe tăng – thế mạnh chủ lực của Pháp khi ấy.
Nhưng chúng không biết rằng Việt Nam đã có nhà khoa học Trần Đại Nghĩa. Về Việt Nam, ông ngay lập tức bắt tay vào chế tạo súng Bazooka, theo những mẫu của nước ngoài.
Trong cuộc hành quân đầu tiên của xe tăng Pháp tấn công vào quân ta, súng Bazooka vừa bắn ra đã làm cháy chiếc xe tăng dẫn đầu của Pháp. Chúng hoảng loạn, bỏ chạy, quân ta thắng trận đó mà không hề hi sinh bất cứ một ai.
Sau thành công đầu tiên, Trần Đại Nghĩa tiếp tục mày mò nghiên cứu để chế tạo thêm vũ khí đánh giặc. Ông được mệnh danh là “ông vua vũ khí của Việt Nam” từ ngày đó. Ông trở thành Thiếu tướng trong đợt phong hàm đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Ông Tướng gàn” Trần Đại Nghĩa
Vai trò của ngành chế tạo vũ khí rất được Bác Hồ coi trọng, thể hiện qua những đặc quyền mà Bác dành cho Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa. Ngày đó, Bác thường dặn dò quân nhu: “Chú Nghĩa nghiện thuốc lá. Phải nhớ chuẩn bị đủ thuốc lá cho chú ấy hút để chú ấy còn nghiên cứu”.
Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa cũng là một trong rất ít những người có thể trực tiếp gọi điện hay đến gặp Bác Hồ mà không cần thông qua bất cứ ai. Nhưng Trần Đại Nghĩa lại sống rất giản dị, đúng như những lời hứa của ông với Bác khi trở về Việt Nam theo cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Khánh, phu nhân của Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, là người hiểu hơn ai hết lối sống bình dị của ông. Ông bà gặp nhau tại chiến khu Việt Bắc, khi ông đang là Cục trưởng Cục Quân giới, còn bà là y tá của Cục.
Hồi còn ở Pháp, ông đã thề sẽ không lấy vợ, để cống hiến đời mình cho cách mạng. Có cô gái người Pháp xinh đẹp si mê ông, ông cũng khéo léo chối từ, dù trong lòng cũng thấy rung động. Nhưng ở chiến khu, trước cô gái Nguyễn Thị Khánh xinh xắn, can đảm, ông đã từ bỏ ý định không lấy vợ.
Đám cưới của ông bà được tổ chức ở Việt Bắc. Trước hôm đám cưới, có người định viết thư báo với Bác để Bác cho ít quà làm đám cưới cho ông, ông gạt đi: “Bác còn bao nhiêu việc, đừng làm phiền Bác việc cỏn con”.
Ông vét túi được 50 đồng, đi mua 1 bao quả mắc cọp ở chợ thị xã về làm cỗ cưới. Anh em các cục, các đơn vị đến ăn cưới, thấy thế bèn góp thêm mỗi người vài đồng để nhờ các anh nuôi của Cục Quân giới mua đồ ăn nấu cỗ cưới cho ông.
Bà Nguyễn Thị Khánh kể, ngày chưa cưới ông, dù đã nghe kể về sự tài giỏi của ông và rất phục ông, nhưng bà vẫn nhận ra là ông rất “gàn”, ăn mặc lôi thôi, đầu tóc bù xù, trong đầu lúc nào cũng chỉ có vũ khí. Nhưng vì anh em vun vào, bà đã lấy ông – dù ông hơn bà tới 14 tuổi.
Sau đám cưới, bà mới chứng kiến được hết cái sự “gàn” của chồng mình. Bà bảo ông có một thói xấu lớn, đó là thói ở bẩn. Ông chẳng mấy khi chịu tắm rửa, giặt giũ quần áo, đầu tóc lúc nào cũng bù xù. Làm bất cứ việc gì mà để mất thời gian đọc tài liệu, nghiên cứu vũ khí, ông đều tiếc.
Hồi mới yêu nhau, có lần ông gọi bà lên, hốt hoảng: “Bác Hồ sắp đến thăm đơn vị. Khánh giúp anh dọn dẹp phòng ốc với. Bác nhìn thấy thế này phê bình chết”. Bà nhìn căn phòng bừa bộn, chăn màn lung tung và đống quần áo bẩn ông giấu trong hòm mà thở dài ngao ngán…
Sau này nên vợ nên chồng, tính cách của ông cũng không hề thay đổi. Ông bà có 4 người con, cả 4 người con đều do bà tự tay chăm sóc, nuôi nấng. Việc duy nhất tồn tại trong đầu ông là vũ khí và vũ khí. Có những lúc bà gọi ông ra ăn cơm, mà ông cứ ngồi im như phỗng vì đang mải mê đọc một tài liệu hay.
Cũng có lần, anh em trong đơn vị tìm ông cả ngày không thấy, đến lúc ra bờ suối thì thấy ông đang ngồi hý hoáy ghi ghi, chép chép bên bờ suối. Là vợ Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, bà Khánh đã quen với những đêm ông nằm ngủ mà miệng vẫn lẩm nhẩm chuyện vũ khí.
Có đêm đang ngủ, chợt nghĩ ra một công thức nào đó, ông bật dậy ghi ghi, chép chép rồi lại tiếp tục đi ngủ. Thỉnh thoảng bà vẫn phàn nàn ông là “ông Nghĩa gàn dở”, vì tính ông cả đời chỉ biết cống hiến, không bao giờ nghĩ đến bản thân mình.
Sau kháng chiến chống Pháp về Hà Nội, ông bà được phân cho ở tại số nhà 56 Hàng Chuối, cùng với một gia đình khác. Cấp dưới đến nhà thấy nhà cửa chật chội nói với ông: “Sao thủ trưởng không lên tiếng? Thủ trưởng phải được ở một chỗ tốt hơn như thế này”. Ông gạt đi: “Thế này là tốt lắm rồi. Có người còn không có nhà mà ở”.
Từng là Cục trưởng Cục quân giới, là Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, rồi là Thứ trưởng Bộ Công thương, cùng với nhiều chức vụ khác, nhưng đến lúc về già, ông vẫn chẳng có gì.
Cuối những năm 1980, ông đưa cả gia đình vào Nam sinh sống. Thành phố cấp cho ông một căn nhà nhỏ có từ thời trước 1975 trong con ngõ trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận.
Năm này qua năm khác, những nhà khác xây cao lên, xây to ra, có nhà bên cạnh còn lấn chiếm đất nhà ông, bà nhắc ông, ông cũng bảo “kệ người ta, họ thích lấn thì cứ cho họ lấn, mình vẫn còn nhà để ở”.
Cũng có lúc bà than phiền với ông vì các nhà bên cạnh đều xây cao lên, nhà ông bà vẫn ở thấp, nên mỗi khi trời mưa, nước lại ngập nhà”, ông cũng tặc lưỡi: “Nhà ngập thì ta tát nước ra chứ sao, lại khô như thường”.
Biết tính chồng, nên diết rồi bà Khánh cũng không bao giờ than phiền với chồng bất cứ điều gì nữa. Bà âm thầm đi bên ông, hi sinh cho ông,vui vẻ ở cùng ông trong căn nhà cũ kĩ suốt mấy chục năm trời.
Ông là Thiếu tướng, là Giáo sư, Viện sĩ, là Anh hùng Lao động được phong danh hiệu đợt đầu tiên, cái đó ai cũng biết. Nhưng sau lưng ông, người vợ của ông đã phải vất vả, khổ cực như thế nào, thì không phải ai cũng biết.
Ngày 30/04/1975, khi nước nhà thống nhất, ông có ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Đã hoàn thành nhiệm vụ” – đó là nhiệm vụ cứu nước, cứu dân mà khi mới 20 tuổi, ông đã ấp ủ trong lòng. Ông đã từ bỏ mức lương 20 lạng vàng 1 tháng để về Việt Nam theo cách mạng.
Nếu ở lại Pháp, có lẽ ông đã sung sướng, giàu có như những bạn bè của ông ở lại trên đất nước ấy. Nhưng đổi lại, khi về Việt Nam, ông có danh hiệu “ông vua vũ khí Việt Nam” và một thứ quan trọng hơn cả mọi danh hiệu: đó là sự ghi nhận của nhân dân, đất nước, của lịch sử cho những đóng góp của ông cho Tổ quốc của mình!
Nguồn: baotanglichsu.vn